Rách võng mạc là tình trạng xuất hiện vết rách hoặc lỗ rách ở lớp mô thần kinh võng mạc. Lỗ rách võng mạc chu biên không gây đau, có thể tiến triển đến bong võng mạc gây ảnh hưởng đến thị lực thậm chí gây mù lòa.
Nhân một trường hợp đến khám và điều trị tại Mắt Việt 249 Cộng Hoà vì triệu chứng ruồi bay.
Bênh nhân được Bác sĩ CKII Nguyễn Đỗ Thanh Lam phát hiện lỗ rách võng mạc chu biên, đã xử lý an toàn bằng phương pháp Laser quang đông võng mạc, chúng tôi xin trình bày bài viết về LỖ RÁCH VÕNG MẠC.
Hình trái: Lỗ rách VMCB (Nguồn: Bệnh Viện Mắt Việt)
Hình phải: Lỗ rách đã laser QĐVM (Nguồn: Bệnh Viện Mắt Việt)
Vì sao có lỗ rách võng mạc
Rách võng mạc có thể xảy ra khi pha lê thể bắt đầu thoái hóa và co lại.
Bình thường pha lê thể là 01 khối dịch dạng gel nằm giữa thủy tinh thể và võng mạc, pha lê thể bám dính vào lớp võng mạc. Sự thay đổi của khối pha lê thể có thể gây co kéo và gây rách võng mạc.
Rách võng mạc có phải là trường hợp cấp cứu?
Võng mạc bị rách, dịch trong pha lê thể có thể chui qua lỗ rách vào dưới võng mạc, tách dần lớp mô thần kinh võng mạc nhanh chóng tiến triển thành bong võng mạc – đây là vấn đề quan trọng có thể dẫn đến mất thị lực.
Do vậy, khi phát hiện lỗ rách võng mạc cần phải điều trị ngay.
Mắt bạn cảm thấy như thế nào khi võng mạc có lỗ rách?
Đột nhiên mắt bạn thấy xuất hiện những mảng mờ vẩn đục, chớp sáng, đường gợn sóng…bay lơ lửng qua tầm nhìn. Tầm nhìn có thể bị mờ 1 góc.
Đôi khi mắt hoàn toàn không có triệu chứng, Bác tình cờ phát hiện lỗ rách võng mạc khi bạn đến khám mắt vì lý do khác hoặc khám chuyên sâu Lasik.
Đeo kính có thể nhìn rõ hơn khi bị lỗ rách võng mạc?
Nhìn mờ do lỗ rách võng mạc, đó là kết quả của tổn thương trên võng mạc, vì thế đeo kính điều chỉnh khúc xạ sẽ không cải thiện được tầm nhìn của bạn.
Những ai có nguy cơ bị rách võng mạc?
- Do lão hóa > 40 tuổi (tuổi trung bình 57t/nam – 62t/nữ).
- Tiền sử chấn thương mắt.
- Mắt cận thị.
- Bệnh nhân có bong pha lê thể sau: 5% xảy ra lỗ rách võng mạc.
- Sau phẫu thuật nội nhãn.
- Một mắt có tiền sử có bong võng mạc.
- Dùng thuốc co đồng tử thường xuyên (thuốc điều trị Viễn – lão thị).
Khi nghi ngờ bạn có lỗ rách võng mạc, bác sĩ sẽ kiểm tra mắt bạn như thế nào?
Bạn sẽ được kiểm tra thị lực, khám mắt, nhỏ thuốc dãn đồng tử và soi đáy mắt kiểm tra võng mạc trung tâm và cả vùng chu biên.
(Nguồn: TT Mắt Việt)
Phải làm gì để lỗ rách võng mạc không diễn tiến nặng hơn?
Cần điều trị ngay nhằm mục đích ngăn ngừa lỗ rách tiến triển thành bong võng mạc. Phương pháp điều trị áp dụng có thể tùy thuộc vào mức độ tổn thương, vị trí lỗ rách.
Mục đích điều trị: tạo sẹo dính xung quanh lỗ rách, hàn gắn bít kín viền lỗ rách, ngăn chặn dịch rò vào qua lỗ rách gây bong võng mạc.
Các phương pháp điều trị:
- Lạnh đông: dùng đầu dò lạnh đông làm đông lạnh mô xung quanh lỗ rách.
- Laser quang đông võng mạc: tia laser sẽ tạo ra những vết bỏng nhỏ xung quanh lỗ rách. Phương pháp này rất hữu ích đối với các vết rách nhỏ.
90% thành công sau điều trị bằng Laser quang đông võng mạc.
(Nguồn: TT Mắt Việt)
Cả 2 phương pháp trên khá an toàn và hiệu quả.
Một số lỗ rách đã điều trị vẫn có khả năng tiến triển thêm các lỗ rách mới hoặc bong võng mạc, do vậy bệnh nhân phải cần được theo dõi thêm sau đó.
Mất bao lâu để điều trị 01 lỗ rách võng mạc?
Sau khi điều trị Laser quãng đông võng mạc hay lạnh đông, quá trình lành vết thương – hàn gắn lỗ rách VM có thể từ 1 – 4 tuần.
Khi nào cần liên hệ với Bác sĩ?
Bệnh nhân cần tái khám sau vài tuần để bác sĩ kiểm tra lại lỗ rách võng mạc.
Tái khám ngay:
- Thấy mờ hơn: chảy máu võng mạc hoặc trong pha lê thể.
- Nhức mắt: tăng nhãn áp, nhiễm trùng mắt.
Nên kiêng cữ gì sau khi điều trị lỗ rách võng mạc?
Bạn cần tránh những vận động mạnh, cử động đầu không nên vận động mạnh đột ngột, không đi máy bay, cần nghỉ ngơi 2 – 4 tuần.
Chế độ ăn không liên quan đến lỗ rách võng mạc, tuy nhiên thực phẩm lành mạnh giàu chất Lutein, Zeaxanthin có thể hỗ trợ chuyển hóa tại võng mạc.
Có thể phòng tránh lỗ rách võng mạc?
Lỗ rách võng mạc là tiến triển tự nhiên của quá trình lão hóa nên có thể không ngăn ngừa được sự xuất hiện của lỗ rách võng mạc.
Những người có yếu tố nguy cơ nên:
- Khám mắt định kỳ.
- Tránh chấn thương mắt.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi có triệu chứng bất thường, sau chấn thương mắt…
Bác sĩ CKII Đặng Đức Khánh Tiên