LASER MỐNG MẮT CHU BIÊN – NHỮNG VẤN ĐỀ BỆNH NHÂN LO LẮNG

Tư vấn chuyên môn bài viết

Bác sĩ CKII 

Đặng Đức Khánh Tiên

Bệnh Viện Mắt Việt

Chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy lo lắng khi bản thân (hoặc người nhà) được bác sĩ chuyên khoa Mắt chẩn đoán bị “cườm nước” (Glaucoma) hay “mắt có nguy cơ bị cườm nước” (góc hẹp), và nhất là sau khi nhận được lời khuyên từ bác sĩ cần: “bắn laser” (laser mống mắt chu biên) để phòng ngừa, điều trị cườm nước.

Đừng lo lắng để rõ hơn về vấn đề của Laser mống mắt chu biên. Mời bạn cùng tìm hiểu bài viết bên dưới của Bệnh Viện Mắt Việt nhé!

Tư vấn chuyên môn bài viết Bs CKII Đặng Đức Khánh Tiên Bệnh Viện Mắt Việt

Câu chuyện về Laser mống mắt chu biên

Cách nay vài hôm, một Chị bệnh nhân mang tâm trạng lo lắng, bi quan từ tỉnh Sóc Trăng đến khám tại Mắt Việt 249 Cộng Hoà , sau khi khám tầm soát “cườm nước” và tư vấn cho Chị – chúng tôi nhận thấy không ít bệnh nhân vẫn còn chưa hiểu rõ về phương pháp “Laser mống mắt chu biên” – một trong những giải pháp giúp điều trị dự phòng bệnh Glaucoma, chúng tôi viết bài này hy vọng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về phương pháp này, hết lo lắng và tuân thủ điều trị của bác sĩchuyên khoa mắt nhé.

Laser mống mắt chu biên (LPI: Laser Peripheral Iridotomy) là thủ thuật được chỉ định trong điều trị Glaucoma góc đóng hoặc mắt có nguy cơ bị bệnh này.

Kỹ thuật này được sử dụng từ thập niên 80 đến nay.

Bệnh Glaucoma góc đóng và góc hẹp là gì?

Góc tiền phòng là góc nhọn được tạo bởi giác mạc và mống mắt.

Góc này chứa lưới bè củng mạc (trabecular) là nơi dẫn lưu thủy dịch (nước trong nhãn cầu) ra khỏi mắt, đảm bảo mắt giữ độ căng ổn định, giữ áp suất nhãn cầu (nhãn áp) trong giới hạn bình thường.

Trong bệnh tăng nhãn áp, góc này bị hẹp hoặc đóng gây giảm lưu thông thủy dịch, nhãn áp tăng dẫn đến tổn thương dây thần kinh thị giác làm ảnh hưởng trầm trọng đến thị lực.

Sự tăng nhãn áp có thể xảy ra đột ngột hoặc từ từ.

Đối với 1 số mắt có nguy cơ, góc tiền phòng hẹp nhưng có thể chưa gây tăng nhãn áp và thị thần kinh chưa bị ảnh hưởng.

Như vậy laser mống mắt chu biên được thực hiện để làm gì?

Laser mống mắt chu biên sẽ tạo 1 lỗ nhỏ trên mống mắt nhằm giải quyết tình trạng nghẽn đồng tử, sẽ giúp dòng chảy và thoát của thủy dịch được nhanh hơn.

Chỉ định điều trị Laser mống mắt chu biên

Góc tiền phòng hẹp (có nguy cơ bị glaucoma).

Điều trị dự phòng mắt thứ 2 khi mắt thứ 1 đã bị Glaucoma góc đóng.

Góc đóng độ II – ít nhất 2/4 (có hoặc chưa có tăng nhãn áp).

Glaucoma góc đóng, tăng nhãn áp.

Laser mống mắt chu biên có chữa khỏi hẳn bệnh”cườm nước” không? 

Câu trả lời là “KHÔNG”. Mắt có nghi ngờ bị “cườm nước” (Glaucoma) hay bệnh Glaucoma là một bệnh mãn tính cần được theo dõi và điều trị liên tục.

Laser mống mắt chu biên chỉ có thể giúp giảm áp lực mắt và tăng lưu thoát thủy dịch, nhầm bảo tồn thị lực, ngăn ngừa tăng nhãn áp, không cải thiện tình trạng giảm thị lực đã xảy ra.

Nếu không Laser mống mắt chu biên: bạn có nguy cơ tăng nhãn áp cấp tính hoặc mãn tính gây ảnh hưởng tầm nhìn.

Bác sĩ sẽ làm gì để phát hiện bạn bị “cườm nước” (Glaucoma), góc hẹp, góc đóng – mắt nghi ngờ có Glaucoma?

Khám tầm soát bệnh “cườm nước”:

Đo khúc xạ.

Đo nhãn áp.

Khám mắt; độ sâu tiền phòng; soi đáy mắt; soi góc tiền phòng…

Chỉ định CLS: Chụp OCT; Đo thị trường.. nhầm mục đích chẩn đoán và theo dõi Glaucoma

Chụp OCT gai thị hoàng điểm; Đo thị trường (Nguồn: BV Mắt Việt)

Laser mống mắt chu biên có nguy hiểm không? có đau hay không? cách thực hiện như thế nào?

Là thủ thuật an toàn.

Tại Mắt Việt 249 Cộng Hoà , sau khi khám tầm soát bệnh “cườm nước” (Glaucoma), nếu người bệnh (người bệnh) có bệnh Glaucoma hay nghi ngờ Glaucoma (góc hẹp, góc đóng), người bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn các phương pháp điều trị.

Nếu người bệnh có chỉ định Laser mống mắt chu biên, sẽ được hướng dẫn quy trình Laser mống mắt chu biên:

Nhỏ thuốc co đồng tử: làm mỏng mống mắt, giúp tia laser dễ dàng tạo ra hiệu quả hơn.

Sau khi thuốc co đồng tử đạt hiệu quả yêu cầu, sẽ được đưa vào phòng Laser.

Tại phòng Laser:

người bệnh được nhỏ thuốc tê bề mặt.

Bác sĩ sẽ đặt một thấu kính đặc biệt lên mắt cần laser để giúp tập trung tia laser vào mống mắt. Thấu kính này cũng giúp người bệnh không bị nhấp nháy và giữ cho mắt đứng yên trong quá trình laser.

Laser sẽ mất khoảng 5 phút để hoàn thành cho mỗi mắt.

Khi tia laser chạm vào mống mắt, người bệnh có thể cảm thấy nhói nhẹ, có thể bắn từ 3 – 4 tia laser tùy theo mống mắt người bệnh dày hay mỏng.

Các biến chứng Laser mống mắt chu biên: do mống mắt quá dày, góc quá nông:

Chảy máu tiền phòng: tan máu sau vài ngày.

Viêm màng bồ đào: điều trị thuốc kháng viêm.

Tăng nhãn áp: điều trị thuốc hạ nhãn áp.

Bỏng giác mạc: điều trị thuốc kháng sinh, dinh dưỡng bề mặt.

người bệnh có thể nhìn mờ, côm xốn, 1 số trường hợp có thể đau mắt. Người bệnh sẽ được bác sĩ giải thích, hướng dẫn theo dõi và cấp toa thuốc.

Sau khi điều trị Laser mống mắt chu biên cần theo dõi gì? Có nên tái khám?

Sau khi thực hiện phương pháp này bạn không cần kiêng cữ thức ăn.

Vẫn tiếp tục dùng các loại thuốc đang điều trị Glaucoma.

Tái khám định kỳ theo dõi Glaucoma theo lịch hẹn của bác sĩ hay tái khám ngay khi mắt có dấu hiệu bất thường như đau nhức mờ nhanh

Tóm lại: Laser mống mắt chu biên là:

Thủ thuật an toàn, giúp ngăn ngừa tăng nhãn áp, điều trị dự phòng cho bệnh Glaucoma.

Phương pháp này không điều trị khỏi hẳn bệnh Glaucoma, không cải thiện thị lực hiện có.

Sau khi laser, người bệnh vẫn phải tuân thủ lịch tái khám định kỳ tầm soát và theo dõi bệnh Glaucoma.

Bạn không nên lo lắng, nên tuân thủ chỉ định “Laser mống mắt chu biên’ của bác sĩ sau khi đã khám tầm soát và được chẩn đoán mắt có “nguy cơ bị cườm nước” hoặc mắt “cườm nước” nhé.

Mắt Việt 249 Cộng Hoà

Bác sĩ CKII Đặng Đức Khánh Tiên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *