HẮC VÕNG MẠC TRUNG TÂM THANH DỊCH

TỔNG QUAN BỆNH HẮC VÕNG MẠC TRUNG TÂM THANH DỊCH LÀ GÌ?

Võng mạc còn gọi là màng thần kinh, gồm 4 lớp tế bào: 

  • Lớp biểu mô sắc tố
  • Lớp tế bào thị giác
  • Lớp tế bào 2 cực
  • Lớp tế bào hạch hay tế bào đa cực

Hắc võng mạc trung tâm thanh dịch

Bệnh liên quan đến việc một hoặc nhiều rò rỉ dịch từ mao mạch hắc mạc xuyên qua lớp biểu mô sắc tố võng mạc dẫn đến võng mạc bị tích tụ một bọng thanh dịch ngay vùng trung tâm dưới lớp võng mạc, gây ảnh hưởng tới chức năng nhìn của người bệnh.

Khi mắc bệnh này, người bệnh thường có triệu chứng nhìn mờ, hay đôi khi là đau nhức mắt. Đặc biệt, bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch thường xảy ra ở một mắt và có tính tái phát cao.

Một số trường hợp thị lực giảm không phục hồi dù bong thanh dịch võng mạc đã hết. Bệnh hắc võng mạc trung tâm có tính tái phát và có thể tự khỏi không cần điều trị.

Một số căn nguyên gây ra rò biểu mô sắc tố võng mạc khác như viêm, tân sinh mạng mạch hoặc các khối u cần được chẩn đoán phân biệt. Bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch có thể được chia thành hai biểu hiện lâm sàng khác nhau.

Bệnh hắc võng mạc có thể xảy ra cùng với những rối loạn chức năng biểu mô sắc tố lan tỏa (ví dụ như bệnh biểu mô sắc tố võng mạc lan tỏa, biểu mô sắc tố võng mạc mất bù, bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch mạn tính) và đặc trưng bởi sự tách rời võng mạc nhận cảm thần kinh nằm trên vị trí vùng teo biểu mô sắc tố võng mạc và lốm đốm sắc tố. Các bác sĩ có thể quan sát trên chụp mạch máu huỳnh quang một hoặc nhiều điểm rò rỉ nhỏ.

Dựa vào hình ảnh chụp mạch huỳnh quang võng mạc, người ta chia bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch thành 2 thể:

  • Bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch điển hình.
  • Bệnh biểu mô sắc tố võng mạc toả lan do rối loạn toả lan chức năng của lớp biểu mô sắc tố.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh

Hắc võng mạc trung tâm thanh dịch có thể gặp ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng thường thấy nhất ở các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản…

Đây là bệnh của người trẻ và trung niên, với tỷ lệ nam cao hơn nữ (tỉ lệ 6/1). Bệnh thường thường xảy ra ở một mắt và gây giảm thị lực tạm thời, có thể kèm theo bong biểu mô sắc tố, hay gặp ở nam giới trong độ tuổi từ 20 đến 50. 

Một số nghiên cứu đưa ra mối liên quan giữa Helicobacter pylori (vi khuẩn gây bệnh viêm loét dạ dày) và bệnh hắc võng trung tâm thanh dịch với 78% nhiễm H. pylori ở nhóm bị bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch so với 43,5% ở nhóm đối chứng. 

Triệu chứng chủ quan

Bệnh nhân nhìn mờ, không hoàn toàn giống nhau và thường giảm còn 5/10 tới 6/10 nếu bệnh tái phát nhiều lần, thị lực có thể chỉ còn 1/10 đến 2/10. 

Người bệnh bị hắc võng mạc khi nhìn các đồ vật thấy bị biến dạng, méo mó, cong, rối loạn màu sắc nhất là màu nhạt, màu sáng và vàng. Người bệnh vẫn có thể bị rối loạn sắc màu sắc trong khoảng 2 – 3 tháng.

Bệnh nhân thường thấy bóng đen che trước mắt.

Bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch xuất hiện các ám điểm trung tâm hay bán trung tâm tương đối, điều này có thể phát hiện bởi bảng ô vuông Amsler. Đau đầu, nhức nhẹ hố mắt, căng thẳng, mất ngủ đôi khi xảy ra.

Triệu chứng khách quan

Khám đáy mắt phát hiện thấy hoàng điểm sẫm màu, giảm hay mất ánh sáng trung tâm. Vùng tổn hại lồi cao bờ phản sáng có khi cả vòng tròn, có khi chỉ là một phần của vòng tròn, có thể phát hiện chất lắng cặn thường sau 4 tuần bị bệnh, màu sắc vàng, nhỏ tròn như đầu kim, rải rác ở vùng tổn hại, những chấm này không đúc nhập lại và tồn tại kéo dài nhiều tháng trời, tiêu rất chậm.

– Khám bằng sinh hiển vi ta sẽ thấy thời gian đầu võng mạc chia làm hai phần:
+ Phần trong có mạch máu trong suốt lồi về phía buồng dịch kính.
+ Phần ngoài là lớp biểu mô sắc tố và giữa là dịch đọng dưới võng mạc.

– Hình ảnh OCT: Cho thấy rõ các tổn thương của bệnh như: dịch dưới võng mạc, bong biểu mô sắc tố.

– Việc chẩn đoán bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch chủ yếu dựa vào chụp mạch huỳnh quang: chụp mạch huỳnh quang là một khám nghiệm cơ bản, nó cho phép chúng ta hiểu được sinh bệnh học của bệnh này. Hình ảnh huỳnh quang thể hiện bởi sự xuất hiện một chấm rò rỉ từ mao mạch hắc mạc qua màng Bruch, qua lớp biểu mô sắc tố vào khoang bong. Có nhiều hình thái rò huỳnh quang: hình chấm gặp đa số, ngoài ra có thể gặp hình lông chim, hình dù.

Tuy nhiên, để chẩn đoán bệnh một cách chính xác nhất, bạn nên nhờ đến sự can thiệp của các bác sĩ nhãn khoa. Khi mắc bệnh này, bác sĩ sẽ phát hiện mắt của bạn có hoàng điểm sẫm màu, giảm màu hoặc thậm chí là mất ánh sáng trung tâm. Vùng tổn thương bị lồi cao bờ phản sáng một phần hoặc cả vòng tròn. Nếu bệnh đã tiến triển hơn 4 tuần sẽ xuất hiện chất lắng cặn nhỏ, tròn màu vàng nằm rải rác ở vùng tổn thương. Những chấm cặn này tiêu rất chậm, không đúc nhập và sẽ tồn tại trong thời gian dài.

NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH HẮC VÕNG MẠC TRUNG TÂM THANH DỊCH

Nguyên nhân của bệnh còn chưa rõ.

Các giả thuyết trước đây cho rằng nguyên nhân gây bệnh là vận chuyển ion bất thường qua lớp biểu mô sắc tố võng mạc và bệnh lý khu trú của mạch máu hắc mạc.

Bệnh hay xảy ra trên người có yếu tố tâm lý dễ tác động, người dễ xúc động, stress…, người hút thuốc, bị viêm xoang, đái tháo đường hay có tiền sử tăng huyết áp, thuốc hướng tâm thần,…

Nguyên nhân ngoại lai

Căng thẳng – stress, do dùng thuốc cortisol và cường giao cảm, các thuốc khác: Hướng thần, điều hòa co mạch, điều trị hormone thay thế, thường ảnh hưởng đến khả năng thanh thải hormone aldogen của gan.

Chấn thương, nhiễm trùng, tiêm vaccine dẫn tới khởi phát viêm nhiễm hướng tế bào.

Nguyên nhân nội sinh

Nguyên nhân tại mắt: dày củng mạc, ứ đọng của hệ tĩnh mạch nước.

Các nguyên nhân chủ đạo: Căng thẳng, rối loạn thần kinh và tâm lý, thân kinh type A, rối loạn trục tuyến yên – dưới đôi – thượng thận, hội chứng Cushing thể phụ thuộc ACTH, rối loạn nhịp ngày đêm, ngưng thở khi ngủ, rối loạn thần kinh thực vật, đái tháo đường, chứng tăng nhịp tim khi đứng.

Nguyên nhân xa

Bệnh tim mạch, rối loạn huyết động, tăng độ nhớt máu và rối loạn đông máu, bệnh thận, bệnh nội tiết, u thượng thận, hội chứng Cushing, rối loạn chức năng tuyến giáp, mang thai, rối loạn chức năng gan ảnh hưởng đến sản xuất hormone, bệnh dạ dày- ruột, trào ngược dạ dày- thực quản, viêm ruột, nhiễm Helicobacter Pylori, các bệnh hệ thống khác.

BIẾN CHỨNG CÓ THỂ GẶP KHI MẮC BỆNH HẮC VÕNG MẠC TRUNG TÂM THANH DỊCH

Bệnh hắc võng mạc trung tâm thường tự khỏi sau 1 đến 6 tháng và đa số bệnh nhân (80 – 90%) phục hồi thị lực tốt (từ 8/10 trở lên). Chính vì vậy, căn bệnh được coi là lành tính và không quá nguy hiểm. 

Tuy nhiên, nó cũng có thể có những hình thái nặng, diễn biến bệnh kéo dài, trở thành mãn tính và gây ra những biến chứng không mong muốn như: Teo võng mạc, làm mất chức năng của võng mạc, biến đổi trên võng mạc…

Biến chứng thường gặp là bệnh nhân phục hồi thị lực kém hơn và có nhiều nguy cơ tái phát hoặc chuyển thành bệnh biểu mô sắc tố lan toả, gây giảm thị lực nặng (từ 1/10 trở xuống) vĩnh viễn. Dù thị lực được phục hồi, bệnh nhân vẫn có thể bị các triệu chứng như: nhìn vật biến dạng, giảm độ tương phản sáng – tối,…

Nguy cơ gây tân mạch hắc mạc là khá thấp (dưới 5%) nhưng nguy cơ này tăng cao hơn ở người lớn tuổi.

Ngay khi có các triệu chứng bất thường, hãy đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và phát hiện kịp thời.

LÀM CÁCH NÀO ĐỂ PHÒNG NGỪA

Cho đến nay, nguyên nhân sinh bệnh chưa được xác định rõ nên vẫn chưa có biện pháp phòng tránh đặc hiệu đối với căn bệnh này.

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hắc võng mạc trung tâm.

Chế độ sinh hoạt:

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Có chế độ sinh hoạt phù hợp, ngủ đủ giấc để mắt có thời gian nghỉ ngơi, tránh căng thẳng thần kinh, tránh các chất kích thích có hại cho mắt như rượu, bia, thuốc lá…
  • Hạn chế sử dụng hay làm việc trong thời gian dài với các thiết bị điện tử.
  • Duy trì thói quen luyện tập thể dục, thể thao hàng ngày giúp nâng cao thể trạng cùng sức đề kháng của cơ thể.
  • Thiết lập thói quen khám mắt định kỳ, thường xuyên để tầm soát các bệnh ở mắt để có biện pháp can thiệp kịp thời hoặc tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

Chế độ dinh dưỡng:

  • Thiết lập chế độ dinh dưỡng phù hợp, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng tốt cho mắt, hạn chế món ăn cay nóng, nhiều đường, đồ chiên rán… có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê.

ĐIỀU TRỊ BỆNH HẮC VÕNG MẠC TRUNG TÂM THANH DỊCH

Bệnh thường tự khỏi sau 1 đến 6 tháng mà không cần điều trị. Chỉ định điều trị laser được đặt ra trong một số trường hợp đặc biệt. 

Điều trị nội khoa: Bác sĩ sẽ sử dụng một số loại thuốc giúp thanh dịch dưới võng mạc rút nhanh hơn, thuốc tăng cường, hỗ trợ vững bền thành mạch, giãn mạch, tăng cường tuần hoàn, một số vitamin hỗ trợ phục hồi chức năng của lớp biểu mô sắc tố võng mạc…Với các trường hợp bị bệnh lần đầu, chỉ cần điều trị nội khoa và theo dõi hằng tháng.

Điều trị Laser quang đông võng mạc: trong một số trường hợp đặc biệt.

Chỉ định điều trị laser đặt ra nếu điểm dò nằm cách xa hoàng điểm trên 300 micron và bệnh nhân cần phục hồi thị lực nhanh (laser không làm tăng kết quả thị lực cuối cùng), hoặc các trường hợp bong võng mạc thanh dịch kéo dài trên 4 tháng hoặc tái phát trên mắt đã bị giảm thị lực vì bệnh. Sử dụng nốt laser có đường kính 100 micron, thời gian từ 0,1 – 0,2s, năng lượng vừa đủ để nốt bắn có màu xám nhạt và thường chỉ bắn từ 1 đến 5 nốt cho mỗi điểm dò. Phương pháp này mang lại kết quả tốt, giúp hạn chế tối đa tình trạng tái phát bệnh.

– Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và thời gian của các triệu chứng, bác sĩ sẽ có những phương án điều trị tốt nhất. Việc phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh là rất hữu ích trong việc điều trị thành công để tránh mất thị lực vĩnh viễn.

Thăm khám định kì 3-6 tháng 1 lần để các bác sĩ nhãn khoa hàng đầu bảo vệ đôi mắt của chúng ta trước tác những nhân nguy hại!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *