11 câu hỏi thường gặp mổ cườm

Nhiều bệnh nhân lớn tuổi khi đi khám vì mắt mờ, được bác sĩ cho biết bị đục thủy tinh thể, phải phẫu thuật Phaco (hay gọi mổ cườm) thì băn khoăn không biết phẫu thuật Phaco là gì? Phẫu thuật có nguy hiểm không? Phẫu thuật có đau không?

Để rõ hơn về phương pháp này, bác sĩ Thái Thành Nam Tổng Giám Đốc hệ thống Trung tâm mắt Việt là một trong những chuyên gia hàng đầu trong ngành Nhãn khoa. Sau đây là 11 câu hỏi thường gặp về mổ cườm giúp giải đáp một số thắc mắc thường gặp của bệnh nhân khi đang tìm hiểu về phẫu thuật Phaco.

1. Phẫu thuật Phaco là gì?

  • Phẫu thuật Phaco là viết tắt của Phacoemulsification, tức là dùng năng lượng sóng âm để tán nhuyễn và tách thủy tinh thể đục thành những mảnh nhỏ rồi hút ra ngoài qua một vết mổ nhỏ, và thay vào đó bằng một thủy tinh thể nhân tạo.
  • Đây là phẫu thuật an toàn, hiệu quả và tối ưu nhất hiện nay so với các phương pháp trước.
  • Vết mổ không cần khâu mà sẽ tự liền.

2. Ai đủ điều kiện để có thể Phẫu thuật Phaco?

  • Bệnh nhân có đục thủy tinh thể và đã có chỉ định mổ
  • Không có các bệnh toàn thân cấp tính
  • Bệnh nhân không có các viêm nhiễm cấp tính tại mắt

3. Thời gian phẫu thuật Phaco bao lâu?

  • Phẫu thuật Phaco diễn ra rất nhanh, an toàn cho người bệnh với thời gian phẫu thuật chỉ từ 5-10 phút/ca
  • Phẫu thuật không gây đau, không chảy máu, bệnh nhân có thể xuất viện ngay trong ngày.
  • Vết mổ nhỏ, không cần khâu, giảm hiện tượng loạn thị.
  • Thị lực của bệnh nhân phục hồi sớm và tốt sau mổ một hoặc vài ngày (nhiều bệnh nhân chỉ vừa rời bàn mổ đã thấy mắt sáng rõ, dù trước đó nhìn rất mờ như có màn sương trước mặt).

4. Nên phẫu thuật Phaco vào giai đoạn nào?

  • Giai đoạn lý tưởng để tiến hành phẫu thuật đục thủy tinh thể khi thị lực của bệnh nhân còn khoảng 3/10 – 4/10.
  • Một số trường hợp đặc biệt bệnh nhân có thể được mổ ở những giai đoạn rất sớm khi thị lực của mắt ở mức 5/10 – 6/10 nếu họ thường xuyên phải lái xe hay làm các công việc đòi hỏi độ chính xác cao.
  • Khi mắc bệnh đục thủy tinh thể bệnh nhân không nên đợi cho đến khi mắt không nhìn thấy mới tiến hành phẫu thuật vì khi đó thủy tinh thể đã quá chín có thể gây biến chứng và làm giảm tỉ lệ thành công cho quá trình phẫu thuật.

5. Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước khi mổ cườm?

Ngày trước mổ:

  • Bệnh nhân ăn uống, sinh hoạt bình thường.
  • Bệnh nhân tra thuốc kháng sinh trước mổ theo yêu cầu của bác sĩ.
  • Nếu bệnh nhân đang uống thuốc điều trị các bệnh nội khoa thì vẫn dùng thuốc bình thường.
  • Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường gì về thuốc, dị ứng…, cần báo ngay cho bác sĩ.

Ngày tới mổ:

  • Bệnh nhân cần nhịn ăn sáng để làm xét nghiệm.
  • Thực hiện đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, điều dưỡng để có kết quả phẫu thuật tốt nhất.
  • Cụ thể: Bệnh nhân không nên có tâm lý lo lắng thái quá vì sẽ khiến tim đập nhanh, huyết áp tăng cao. Khi vào phòng mổ, cần phối hợp tốt với bác sĩ. Trước khi mổ bệnh nhân sẽ được gây tê nên yên tâm là mổ không đau. Điều quan trọng là bệnh nhân cần làm theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Ngày sau mổ:

  • Tra thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Không dụi mắt, tránh khói bụi, không để nước tiếp xúc trực tiếp với mắt mổ.
  • Đeo kính bảo vệ mắt cả ngày và đêm trong 3 ngày đầu sau mổ.
  • Tránh hoạt động nặng nhọc hoặc những va chạm trực tiếp với mắt mổ.
  • Hạn chế tiếp xúc với máy tính, xem tivi… trong thời gian 1 tuần đầu sau mổ.

Sau mổ, bệnh nhân ăn uống bình thường, không phải kiêng kị gì (không có chuyện ăn một số món ăn có thể gây sẹo lồi hay nhức mắt). Tuy nhiên, bệnh nhân nên tránh không cho nước vào mắt, kiêng rượu, bia, các chất kích thích trong những ngày đầu vì không có lợi.

Xem thêm: Các câu hỏi thường gặp về lòng trắng mắt

6. Nên thay thủy tinh thể loại nào?

  • Việc lựa chọn thủy tinh thể để thay phụ thuộc vào điều kiện của mắt người bệnh và tình trạng bệnh lý, bên cạnh đó cũng phụ thuộc vào nhu cầu thị giác và kinh tế của bệnh nhân.
  • Những loại thể thủy tinh nhân tạo cao cấp sẽ mang lại cho người bệnh chất lượng thị giác tốt, ổn định.
  • Do vậy, người bệnh cần khám mắt, chụp chiếu kỹ càng trước phẫu thuật Phaco, sau đó bác sĩ căn cứ và các kết quả khám để tư vấn và lựa chọn loại thể thủy tinh nhân tạo phù hợp, hiệu quả nhất với người bệnh.

7. Thủy tinh thể nhân tạo có bền không và sau khi phẫu thuật thay thủy tinh thể 1 lần thì có thể làm được lần nữa không?

  • Sau khi thủy tinh thể nhân tạo được đặt vào mắt, nó sẽ tồn tại suốt cuộc đời còn lại của bệnh nhân mà không sợ bị hỏng hay thoái hóa.
  • Phẫu thuật Phaco thay thủy tinh thể nhân tạo chỉ làm 1 lần, việc thay thế thủy tinh thể nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thị giác do bao thủy tinh thể bị tác động nhiều lần.
  • Trường hợp người bệnh bị tai nạn nghiêm trọng tại mắt có thể gây chấn thương nhãn cầu dẫn đến lệch thủy tinh thể thì sẽ cần thực hiện thủ thuật điều chỉnh đặt lại thủy tinh thể, nếu thủy tinh thể bị rơi vào buồng dịch kính thì sẽ cần thay thế bằng 1 loại nhân TTT chuyên dụng có càng treo cố định nhằm cải thiện thị lực.

8. Thuốc sử dụng sau phẫu thuật Phaco thuốc gì?

  • Người bệnh cần tra và uống thuốc ngay sau khi tiến hành ca mổ. Các bác sĩ chuyên khoa ở bệnh viện mắt sẽ khám và đưa ra những dặn dò kỹ lưỡng về cách sử dụng thuốc và chăm sóc mắt sau mổ sao cho bạn có thể hồi phục một cách tốt nhất.
  • Không sử dụng bất cứ loại thuốc nhỏ mắt nào bất cứ gì trừ thuốc nhỏ đã được bác kê đơn.
  • Vệ sinh sạch tay và mắt bằng gạc để bỏ đi chất dịch bám vào mắt trước khi dùng thuốc nhỏ mắt.

9. Có bảo đảm kết quả thị lực không?

  • Trong bất kỳ thủ thuật y khoa nào cũng không có một sự bảo đảm kết quả chắc chắn 100% cho bệnh nhân được.
  • Thực ra, phẫu thuật PHACO ở mắt cực kỳ an toàn và chính xác, sử dụng năng lượng sóng âm tần số cao để tán nhuyễn và tách thủy tinh thể đục thành những mảnh nhỏ rồi hút ra ngoài qua một vết mổ nhỏ và thay vào đó bằng một thủy tinh thể nhân tạo để khôi phục thị lực cho người bệnh.
  • Đây là phẫu thuật an toàn, hiệu quả và tối ưu nhất hiện nay để điều trị đục thủy tinh thể.

10. Sau mổ bao lâu thì nhìn thấy?

  • Hầu hết bệnh nhân có thể nhìn thấy ngay trong những ngày đầu sau mổ Phaco.
  • Trường hợp phẫu thuật Phaco ở giai đoạn nhân thủy tinh thể quá cứng thì sau mổ có thể xuất hiện hiện tượng phù giác mạc, người bệnh có thể nhìn mờ, sau khoảng 1-2 tuần tra thuốc mắt theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ hết dần, tầm nhìn trở nên rõ và trong hơn.

Xem ngay: LASER MỐNG MẮT CHU BIÊN – NHỮNG VẤN ĐỀ BỆNH NHÂN LO LẮNG

11. Người có bệnh lý tiểu đường, cao huyết áp, đáy mắt có thể phẫu thuật Phaco được không?

  • Phẫu thuật Phaco không có chống chỉ định với bệnh nhân tăng huyết áp, tiểu đường. Tuy nhiên, trước khi thực hiện phẫu thuật Phaco, bệnh nhân cần được khám nội tổng quát (xét nghiệm các chỉ số đường máu, đo huyết áp,…) để chắc chắn rằng sức khỏe đáp ứng được cuộc phẫu thuật.
  • Những bệnh nhân đục thủy tinh thể có kèm bệnh tăng huyết áp, tiểu đường thì phải đảm bảo có chỉ số huyết áp bình thường và chỉ số đường huyết ổn định (dưới 9).
  • Những trường hợp bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, tiểu đường đang ở mức cao, huyết áp không ổn định thì sẽ phải điều trị cho tới khi tình trạng sức khỏe ổn, cho phép thực hiện phẫu thuật.
  • Trường hợp bệnh nhân có các bệnh lý đáy mắt: Bác sĩ sẽ thảo luận, tiên lượng kết quả phẫu thuật và bệnh nhân sẽ quyết định đồng ý phẫu thuật hay không. Cũng có trường hợp để điều trị bệnh lý tại võng mạc cần bắt buộc thay thủy tinh thể nhân tạo thì mới có thể điều trị bệnh đáy mắt.

Mắt Việt 249 Cộng Hoà